Thông điệp chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống Mỹ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì một phiên thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản tại Tokyo ngày 28/9 (Ảnh: Reuters).
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ đến Seoul, Hàn Quốc vào ngày 29/9 trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Trong chuyến đi lần này, bà Harris cũng tham dự lễ tang của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tokyo hôm 27/9.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết bà Harris sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, "khẳng định sức mạnh" của liên minh Mỹ - Hàn, thảo luận về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan".
Theo quan chức Mỹ, chương trình nghị sự của bà Harris tại Hàn Quốc cũng đề cập tới "quan hệ đối tác kinh tế và công nghệ ngày càng phát triển giữa hai nước, cùng một loạt vấn đề toàn cầu và khu vực".
Sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ tại lễ tang của cố Thủ tướng Abe, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết bà Harris cũng sẽ đến thăm khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên, một động thái "mang tính biểu tượng" nhằm chứng minh cam kết quốc phòng của Mỹ với Hàn Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang gia tăng các mối đe dọa hạt nhân.
"Các thông điệp của bà Harris bao gồm: sự hợp tác của Seoul (với Mỹ) trong việc kiềm chế Trung Quốc, cam kết của Mỹ với Hàn Quốc khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên và những cảnh báo về việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7", Park Won-gon, giáo sư chính trị - khoa học tại Đại học Ewha Womans, Seoul cho biết.
Bà Harris có khả năng sẽ nhắc lại lập trường của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bao gồm Đài Loan, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chuỗi cung ứng ổn định và hợp tác với Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao bao gồm chất bán dẫn.
"Những chủ đề này đều nhắm đến Trung Quốc", ông Park nói.
Giáo sư Park cũng lưu ý rằng, chuyến thăm của bà Harris diễn ra sau chuyến thăm của một quan chức cấp cao Trung Quốc tới Seoul vào tuần trước, trong đó Bắc Kinh kêu gọi hợp tác nhiều hơn với Hàn Quốc về các công nghệ tiên tiến và các vấn đề chuỗi cung ứng.
Chuyến công du của bà Harris diễn ra vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và ngay sau khi Mỹ - Hàn khởi động cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên sau 5 năm. Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo hôm 25/9 như một động thái phản đối cuộc tập trận kéo dài 4 ngày trên bờ biển phía đông của Hàn Quốc. Cuộc tập trận có sự tham gia của một nhóm tác chiến do tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ dẫn đầu.
Theo các quan chức Mỹ, Triều Tiên đã phóng hơn 30 tên lửa đạn đạo trong năm nay. Các nhà chức trách Hàn Quốc và Mỹ cho biết Bình Nhưỡng dường như đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
"Chuyến thăm của bà Harris sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thay vào đó, Triều Tiên sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích ở cấp độ thấp như thử tên lửa", Yang Moo-jin, giáo sư chính trị - khoa học tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, dự đoán.
Tin cùng chuyên mục