29/03/2021 15:31

Đại biểu nhắc Chính phủ 'món nợ' sửa đổi Luật Đất đai

Nhiều đại biểu đề cập đến việc chậm sửa đổi Luật Đất đai, trong khi đây là lĩnh vực đang tồn tại những tiêu cực, chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Sáng 29/3, thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu chung nhận định trong tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, kết quả kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua "rất đáng trân trọng".

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tán thành việc bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ đã tự "soi lại mình" và nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có tình trạng công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng; chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng...

Theo nữ đại biểu, các sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản ở nhiều nơi không chỉ ở mức "buông lỏng" mà cần nhìn nhận thẳng thắn là "nghiêm trọng" và có hệ thống. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng, tìm giải pháp chấn chỉnh.

Bà Thúy nhận định, những quy định chưa phù hợp của Luật đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện dai dẳng trong lĩnh vực này. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi Luật, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo.

Đại biểu nhắc Chính phủ 'món nợ' sửa đổi Luật Đất đai

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Dẫn ý kiến cử tri, đại biểu Kim Thúy phản ánh thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch; các nước công khai bản đồ địa chính từ lâu, dân đến nộp ít lệ phí là xem được, còn "chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, dẫn đến đủ loại rủi ro, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân".

Bà Thúy lấy ví dụ, vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma" cho hàng nghìn khách hàng, nếu người dân được cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai và tính pháp lý của từng khu vực thật tốt, thì có thể đã không xảy ra vụ án như vậy.

"Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này", bà Kim Thúy nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ nỗ lực trình dự thảo sửa đổi Luật đất đai, vì Luật này "đang có nhiều vấn đề chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất".

Bà Tâm cũng mong Chính phủ, Quốc hội có một nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn để giải quyết các vấn đề liên quan một cách căn cơ, bền vững hơn.

"Tôi chất vấn Chính phủ từ kỳ họp đầu tiên của khóa XIII, nghĩa là 10 năm rồi, song đến nay vẫn rất trăn trở với nông nghiệp và nông dân, nông thôn", bà Tâm nêu ý kiến và cho rằng mặc dù lĩnh vực này đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa được như mong muốn, "thẳng thắn mà nói là chưa phát huy đúng tiềm năng và lợi thế của ngành nông nghiệp".

"Chính phủ xác định vị trí trụ đỡ của nông nghiệp đối với nền kinh tế, nhưng khi nông dân gặp khó khăn, khi sản xuất được mùa mất giá không bán được sản phẩm thì ai, cơ chế nào làm trụ đỡ cho người nông dân?", bà Tâm trăn trở.

Đại biểu nhắc Chính phủ 'món nợ' sửa đổi Luật Đất đai

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, bà Tâm mong Chính phủ nhiệm kỳ tới đồng bộ trong hoạt động từ Trung ương đến địa phương, vì "có những vấn đề Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng chủ trương đi vào cuộc sống chưa nhanh, đôi lúc có sự trì trệ, tính hiệu quả chưa cao".

Nữ đại biểu cũng nhận xét còn tình trạng né tránh trách nhiệm, sự lắng nghe của một số thành viên Chính phủ trong công việc cụ thể không thấu đáo, không cầu thị, có biểu hiện né tránh sự thật. "Khi được nhân dân tín nhiệm thì mọi thành viên Chính phủ phải xác định làm tốt trách nhiệm của mình", bà Tâm đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ ấn tượng với những quyết định sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng. Khi người dân băn khoăn về môi trường, Thủ tướng khẳng định "không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế"; khi nhân dân Tây Nguyên băn khoăn về những cánh rừng bị tàn phá, Thủ tướng đã chỉ đạo "kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên". Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, Chính phủ quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", được người dân đồng tình.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, chuyển động của bộ máy còn chậm và chưa vững chắc; "đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh và vẫn còn cơ chế xin - cho".

Đại biểu nhắc Chính phủ 'món nợ' sửa đổi Luật Đất đai

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại phiên thảo luận sáng 29/3. Ảnh: Hoàng PhongĐại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá, với bối cảnh thế giới có những diễn biến rất phức tạp; Biển Đông "chưa lặng sóng bao giờ", bệnh dịch, thiên tai liên miên, dồn dập..., thì đạt được sự ổn định xã hội là rất khó khăn và có ý nghĩa rất to lớn.

Ông đánh giá công thức "5K + vaccine" của Chính phủ đề ra để chống dịch Covid-19 là đúng và hợp lý, một "sáng tạo Việt Nam"; đồng thời, kiến nghị Chính phủ phải có liệu pháp vaccine để chủ động tạo ra miễn dịch cộng đồng trong cả nước, từ đó mới hy vọng ngăn chặn được dịch nhanh và bền vững.

"Theo tôi, ở những người đã bị phơi nhiễm với dịch, sống trong vùng có dịch, tham gia các hoạt động chống dịch như lấy mẫu, làm xét nghiệm hoặc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì nên cho làm xét nghiệm kháng thể, nếu đã có kháng thể thì không cần phải tiêm vaccine nữa", ông đề xuất.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Hoàng Thùy Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags:

đại biểu Nguyễn Anh Trí

Tổng bí thư Chủ tịch nước

Thủ tướng

Quốc hội

Chính trị

Tường thuật

Tin cùng chuyên mục