05/04/2024 10:51

Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần bổ sung canxi ngay lập tức

Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, là thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng. Khi cơ thể thiếu canxi có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương, gãy xương... Dưới đây là những dấu hiểu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu canxi.

Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu.

Trẻ em thiếu canxi, ngoài việc bị còi xương, chậm tăng chiều cao còn bị còi cọc, khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồ hôi trộm... Người lớn thiếu canxi thì bị loãng xương, còng lưng, gai cột sống, gai gót chân và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.

Lượng dự trữ canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là do thức ăn, nước uống đưa vào; hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận.

Nhu cầu hằng ngày với một chế độ ăn đầy đủ phải bảo đảm cung cấp khoảng 1.000mg canxi qua đường ăn uống thì có khoảng 200mg canxi bị đào thải qua đường mật và các dịch tiêu hóa khác.

Gần 99% canxi trong cơ thể tập trung ở trong xương, chủ yếu dưới dạng tinh thể Hydroxyapatite. Chỉ 1% canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch ngoài tế bào, do đó luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ canxi trong máu ổn định. Nồng độ canxi toàn phần bình thường trong máu được duy trì dao động từ 8,8 đến 10,4 mg/dl (2,20 - 2,60mmol/l).

Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần bổ sung canxi ngay lập tức

Dấu hiệu nên cân nhắc bổ sung canxi

- Thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm: Khi thiếu canxi, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chất diện giải, hạn chế sự hoạt động của các bộ phận xương, cơ, từ đó khiến cơ thể xuất hiện tình trạng chuột rút nhiều lần.

- Móng tay giòn và dễ gãy: Canxi là khoáng chất quan trọng cấu tạo nên hệ khung xương, răng, tóc và móng. Vì vậy, khi thiếu canxi, móng tay sẽ trở nên yếu, giòn, dễ gãy hơn.

- Mất ngủ: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melatonin (hormone giúp cơ thể đi vào giấc ngủ). Khi cơ thể thiếu canxi, các xung thần kinh có thể bị ức chế và luôn ở trạng thái không ổn định. Từ đó sẽ gây ra tình trạng hưng phấn hoặc căng thẳng quá mức. Nếu để tình trạng thiếu canxi kéo dài, người bệnh sẽ bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ bị gián đoạn.

Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần bổ sung canxi ngay lập tức

- Đau nhức ở vùng thắt lưng và đau chân: 99% canxi tồn tại trong xương, răng, móng, chỉ 1% còn lại ở các cơ bắp. Do đó, khi cơ thể không có đủ canxi cần thiết thì lượng canxi trong xương sẽ bị rút bớt ra để đảm bảo nồng độ canxi máu. Từ đó xương sẽ bị mềm và yếu hơn, nhất là xương vùng lưng và đây là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mỏi và đau nhức.

Ngoài ra, thiếu hụt canxi có thể gây run tay chân, tê rần ở các đầu ngón tay hoặc ngón chân, da khô,…

Cách cân bằng can xi trong cơ thể

Thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, ốc, nghêu, sò, mực...; uống sữa và kết hợp với tắm nắng dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để da tổng hợp vitamin D. Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên ăn các loại rau củ như: cải thìa, đậu bắp, bông cải, bí xanh, rau bina và củ cải. Bổ sung quả sung khô, đậu trắng, đậu phộng, đậu đỏ và đậu xanh vào thực đơn hàng tuần của bạn. Uống sữa đậu nành và các loại sữa bò nguyên kem.

Nên ăn hải sản như: cá mòi, cá thu và các loại cá đóng hộp nguyên xương là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Bên cạnh đó, cố gắng ăn ít nhất 1 lần/tuần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung một lượng canxi đáng kể cho cơ thể, nên cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.

Lam Anh (tổng hợp)

Tags:

dấu hiệu cảnh báo

thiếu canxi

Tin cùng chuyên mục