13/10/2022 09:04

Thủ tướng: Sẽ tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân vượt khó, vươn xa

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (10/3) và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 do VCCI tổ chức sáng nay (12/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ phấn khởi được tham dự sự kiện này với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân về những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức thời gian qua, nhất là kết quả rất tích cực của 9 tháng năm nay.

Thủ tướng: Sẽ tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân vượt khó, vươn xa

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (10/3) và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 do VCCI tổ chức sáng 12/10 (Ảnh: VCCI).

Đánh giá cao vai trò của doanh nhân

Nhắc lại cách đây tròn 1 năm, khi cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế có lúc âm, chưa tiếp cận được vaccine, phải chống dịch bằng biện pháp hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những lúc khó khăn đó, Đảng, Nhà nước luôn có Nhân dân bên cạnh, trong đó có đội ngũ doanh nhân. "Các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp gần 10.000 tỷ đồng cho quỹ vaccine", Thủ tướng nói và khẳng định đó là sự đóng góp rất quan trọng.

"Những lúc khó khăn như vậy mới thấy trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện rất rõ nét", Thủ tướng nói.

"Những ngày tháng không thể quên đó đã tô thắm thêm văn hóa, đạo đức kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta đã trưởng thành, lớn mạnh và khi đất nước cần là họ sẵn sàng", Thủ tướng xúc động nhấn mạnh.

"Nhân dịp này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vất vả, nhọc nhằn và xin gửi lời cảm ơn trân trọng, biểu dương những nỗ lực, những đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng chia sẻ.

Khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam hiện có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động… Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

"Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới", Thủ tướng nói và cho biết sắp tới đây sẽ bàn với cơ quan chức năng có cơ chế tốt hơn để khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta đã xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Thách thức, khó khăn khó lường

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lượng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, chuỗi cung ứng, lao động sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, thị trường thu hẹp…

Trong nước có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, khi xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhà đầu tư.

"Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng: Sẽ tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân vượt khó, vươn xa

60 doanh nhân tiêu biểu năm 2022 đã được tôn vinh trong buổi lễ sáng nay (Ảnh: QN).

6 mong muốn đối với cộng đồng doanh nhân

Thủ tướng đã chia sẻ 12 việc mà Chính phủ cùng với các bộ ngành, địa phương sẽ làm để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, hiệu quả và hội nhập.

Ngược lại, Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đó là:

(1) trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước;

(2) thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu;

(3) tận dụng sự phục hội mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế;

(4) chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh;

(5) Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;

(6) tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong rằng: "Các doanh nhân chúng ta vừa tự lực, tự chủ, tự cường nhưng cũng phải phối hợp với các doanh nhân nước ngoài để tăng cường vốn hoạt động, công nghệ cao và quản trị, đào tạo nguồn nhân lực".

Thủ tướng tin rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm - Tài - Trí sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để ngày càng phát triển, đóng góp tích cực và hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng…

Tin cùng chuyên mục