29/10/2022 07:15

Đại biểu Quốc hội kiến nghị có chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

 

Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay (28/10), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, sự bùng phát dịch Covid-19 đã bộc lộ vấn đề cần được đặc biệt quan tâm là nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa đảm bảo cả số lượng và chất lượng.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị có chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) (Ảnh: Quốc Chính).

Để giải quyết tình hình trên, Quốc hội, Chính phủ đã và đang quan tâm tháo gỡ chính sách liên quan nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đến nay, những vướng mắc liên quan chính sách nhà ở xã hội chưa được tháo gỡ.

Từ thực tiễn địa phương, ông Tuấn kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế pháp luật, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

Bởi theo ông, công nhân là lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, đặc thù so với lực lượng khác. Tuy nhiên quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể về nhà ở cho công nhân hoặc nằm rải rác ở các luật liên quan và chưa phù hợp.

Theo ông Tuấn, tại điều 49 của Luật Nhà ở 2014, đã xác định người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Hay tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định trên không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù, họ đã có nhà ở quê, sống cùng bố mẹ và anh chị em, nhưng do đi làm ăn xa, điều kiện chỗ ở chật chội, nên rất cần được xem xét hỗ trợ nhà ở.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở cho công nhân thuê.

Theo ông, để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ doanh nghiệp mà cá nhân, hộ gia đình cũng có vai trò quan trọng.

Từ thực tiễn Bắc Giang, ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay địa phương đang có 5.100 công trình nhà ở do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng đủ tiêu chuẩn đáp ứng 66.000 công nhân. Theo tính toán của tỉnh này, năm 2025, dự án xây dựng nhà ở chỉ đáp ứng được một nửa công nhân có nhu cầu, Bắc Giang vẫn phải khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở cho công nhân thuê.

"Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai cụ thể hóa, triển khai ưu đãi, thu hút về tiền, về đất đai, các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho công nhân", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục